Poemy đồng hành cùng các đoàn thiện nguyện

8 năm trước, tôi gặp anh Hoàng Xuân Hải lần đầu tiên tại Trung tâm Unesco Giáo dục quốc tế, trong một lớp học buổi tối có tên là “Sống đẹp”. Nghe anh chia sẻ dự định sắp tới sẽ kinh doanh khăn mặt, tôi cũng ầm ừ kiểu nghe vậy biết vậy, chứ mặt hàng này trên thị trường đầy rẫy, liệu sản phẩm mới có tìm được chỗ đứng chân?! Và câu chuyện ngỡ chỉ dừng tại đó.

Anh Hoàng Xuân Hải đội mũ bên tay phải

 

Nhưng rồi hơn 1 năm sau, “một ngày đẹp trời”, anh Hải mang đến tặng tôi 2 chiếc khăn xinh xắn, hồ hởi giới thiệu: “Chú dùng thử xem nhé. Cái màu hồng là khăn mặt, đảm bảo lau đâu sướng đấy, mềm mịn mê ly luôn, vì được làm từ sợi siêu vi mảnh nhỏ bằng 1/250 lần sợi tóc. Còn cái màu xanh là khăn làm bếp, có thể lau sạch dầu mỡ mà không cần chất tẩy rửa”.

Tôi đã dùng thử, và phải công nhận rằng đó là một trong vài lần hiếm hoi mà “chất lượng tương đương với quảng cáo”. Anh Hải cho biết mới cùng vài người bạn thành lập Công ty cổ phần quốc tế VAG, với các sản phẩm chủ đạo là khăn mặt, khăn tắm và khăn nhà bếp.

Chưa kịp nghe tôi chúc mừng, anh hỏi luôn: “Chú đang quyên góp quà tặng trẻ em vùng cao phải không? Anh thì đang tổ chức chiến dịch giới thiệu sản phẩm mới. Đợt này bán được bao nhiêu khăn, sẽ trích 15% lợi nhuận để mua quà, góp với chú nhé.”

Nói là làm. Mặc dù công ty vừa thành lập, sản phẩm thì chưa mấy ai biết đến, còn cả đống việc ngổn ngang, bận rộn liên miên, nhưng anh Hải vẫn hết sức nhiệt tình với chuyến thiện nguyện nho nhỏ của tôi. Chẳng là vào thời điểm đó, hoạt động thiện nguyện nói chung có vẻ hơi “chùng xuống”, do ở nơi này nơi khác có nhiều “lời ra tiếng vào” về cách thức của chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện. Một số vụ bê bối kiểu “quà đến dân thì ít, về tay người nhà quan xã thì nhiều” đã bị báo chí phanh phui, khiến nhiều nhà hảo tâm chán nản.

Anh Hải là một trong những người động viên tôi: “Chú làm báo, có điều kiện đi nhiều vùng sâu, vùng cao, nên “trinh sát” trước, rồi tìm cách đưa quà đến tận tay những người thực sự nghèo khổ, không cần thông qua chính quyền hay tổ chức nào cả. Rất nhiều người có lòng muốn giúp bà con, chỉ cần mình làm đàng hoàng, đến nơi đến chốn, không lo gì thiếu quà”.

Và chính lớp học “Sống đẹp” nơi anh em chúng tôi tương ngộ, đã gợi cảm hứng để “Câu lạc bộ Sống Đẹp” ra đời, với mục tiêu chính là chia sẻ tấm lòng của miền xuôi đến những bản nghèo trên núi cao biên giới.

Không chỉ là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập “Câu lạc bộ Sống Đẹp”, mà trong chuyến lên núi đầu tiên của CLB, anh Hải và một số nhân viên của VAG đã lên xe cùng chúng tôi. Trước đó, khi chuyển tiền trích từ lợi nhuận bán khăn để mua quà như đã hứa, anh Hải còn trao cho tôi một bọc khăn mặt Poêmy thơm phức mùi vải mới: “Công ty VAG ủng hộ mỗi suất quà 1 chiếc khăn, cần mấy trăm suất chú cứ bảo anh nhé”.

Lần đầu “xuất quân” của Câu lạc bộ Sống Đẹp, anh em chúng tôi chọn đích đến là bản Sim San, thuộc xã Y Tý – huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai. Bây giờ, Y Tý đã thành điểm du lịch nổi tiếng, chứ hồi đó đường lên bản còn gian nan lắm. Cô giáo Hằng Nga – phụ trách điểm trường tiểu học cắm bản Sim San cho biết, chưa có cái ô tô nào leo được đến bản, chỉ “lết” tới trung tâm xã đã phải là tay lái cứng lắm rồi.

Ngồi trên xe giữa đống quà ngồn ngộn lèn tận nóc, cả đoàn vừa vui vừa lo không biết làm cách nào giữ lời hứa với các nhà tài trợ, rằng quà phải đến tận tay dân bản, kiên quyết không nhờ mấy “ông xã” chia giúp. Tôi phải “quán triệt tinh thần” với các tình nguyện viên là nếu cần, sẽ lội bộ vác quà, băng rừng vào bản. Anh Hải ủng hộ ngay: “Chú cứ dẫn đường, bọn anh nhất trí cao! Có sẵn khăn Poêmy cho đoàn lau mồ hôi đây rồi”. 

Nhắc đến khăn, tôi có ý hơi “tiếc” vì khăn xịn quá, Hà Nội còn chưa mấy người có mà dùng, nay mang lên núi phát, thấy “nó thế nào ấy”. Anh Hải cười hào sảng: “Chính chú chia sẻ với bọn anh là lâu nay người miền xuôi lên núi thường toàn chọn đồ ngon mang về, rồi lại mang đồ cũ lên bản tặng bà con, như thế không hay. Chú “bắt” đoàn mua toàn đồ mới toanh làm quà, giờ còn lăn tăn gì!” 

Một đêm ngồi tê cứng người trên xe, thêm nửa buổi dò dẫm trên dốc núi toàn đá hộc, bỏ lại cả cái “ba-đờ-xốc” giữa rừng do xe sụp hố lúc lội suối, chúng tôi mới vào đến Sim San. Bản người Mông nghèo xơ xác, trường lớp thông thống, lạnh cắt da, hoa lá ngón nở vàng bên sườn núi… Trưởng bản tấm tắc, chưa bao giờ dân ở đây được nhận nhiều quà thế, lại toàn đồ tốt.

Đêm rét thấu xương. Mấy anh em trải chiếu cuộn chăn nằm thu lu trên nền đất của phòng học tạm. Anh Hải bảo tôi: “Chú tổ chức chuyến này hay quá, đến đúng nơi nên đến, tặng quà đúng người cần trao. Phát huy nhé! VAG sẽ luôn đồng hành với chú và các bạn”…

Thời gian thấm thoắt, anh em mỗi người mỗi việc, phần lớn chỉ gặp nhau trong những chuyến vào rừng lên núi với bà con. Hoạt động thiện nguyện ngày càng mở rộng. Bước chân anh em chúng tôi lần lượt đi qua những bản làng heo hút từ Lào Cai sang Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, từ Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, hết ngược Hà Giang, Tuyên Quang lại xuôi Hà Nam, Thanh Hóa… Đâu đâu cũng vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, những xóm vắng bản nghèo.

Biết sức mình chưa thấm vào đâu, chẳng làm được gì để thay đổi đời sống của bà con, nhưng nguyện mang niềm vui nho nhỏ đến những góc rừng xanh núi thẳm, vì hiểu sống trong đời cần lắm những tấm lòng! Và những chiếc khăn Poêmy xinh xắn đã theo chân các đoàn thiện nguyện đến với tất cả những nơi chúng tôi có thể đến được. 

Không chỉ với các chuyến do Câu lạc bộ Sống Đẹp tổ chức, mà cả nhiều chuyến khác, khi tôi tham gia cùng các nhóm bạn, anh Hải và Công ty VAG đều ủng hộ nhiệt tình. Thường sau khi post thông tin kêu gọi quyên góp lên mạng, chỉ một vài ngày sau, khăn Poêmy đã nằm trong số những món quà đầu tiên chuyển đến “kho từ thiện” tại nhà tôi. Nhận khăn, vừa vui vì thêm quà cho bà con khó khăn, vừa mừng vì biết công ty VAG ngày càng “ăn nên làm ra”, không ngừng phát triển lớn mạnh.

Nhiều chuyến anh Hải bận công tác, không trực tiếp lên xe cùng đoàn thiện nguyện được, nhưng khăn Poêmy thì chưa lần nào vắng mặt. Chuyến nào có anh Hải thì đoàn càng thêm vui, bởi được thêm một tay “cửu vạn cứng” bốc xếp hàng hóa lên xuống xe, cũng như thêm một “hoạt náo viên” cho đêm lửa trại ấm tình trong bản nhỏ.

Mỗi lần gặp nhau, anh em người thì thêm tóc bạc, người thì đầu ngày càng ít tóc, chỉ có những cái siết tay vẫn luôn nồng ấm thâm tình, những tiếng cười vẫn luôn vô tư hào sảng, những bước chân vẫn chưa chịu đầu hàng con dốc hay cánh rừng nào. Và chuyến nào cũng vậy, dù có khi vài trăm chiếc khăn mặt chỉ xếp vừa một gói nhỏ, khiêm nhường nằm giữa đống chăn màn, quần áo, lương thực, thực phẩm các loại… nhưng chưa có “khăn của anh Hải” thì thấy như vẫn thiếu cái gì…

Mới rồi, lũ lụt liên tiếp, anh em lại sát cánh nhiều hơn. Chỉ cách 2 tuần, tổ chức liền 2 chuyến đi Hà Giang và Yên Bái. Lại trắng đêm vạ vật trên xe, lại dầm mưa vác quà, thêm cả lội bùn đẩy cả xe khách lẫn xe tải qua những con dốc nhoe nhoét  đất đá vừa sạt trên núi xuống… Ai đó đã đúc kết rằng, niềm vui khi mang niềm vui đến cho người khác mới thực sự là niềm vui lớn nhất. Chẳng thế mà những người bùn đất lấm lem từ đầu đến chân giữa rừng, mà ai cũng tươi vui hồn nhiên như con trẻ, như thể chính những tình nguyện viên chúng tôi được nhận quà vậy.

Nhiều đoàn thiện nguyện gặp nhau giữa núi, kẻ lên người xuống, chẳng quen biết gì mà cứ vẫy nhau reo hò như trảy hội. Những chuyến xe quá tải vì chở nặng quà, ai cũng muốn lèn thật chặt, mang thật nhiều lên giúp bà con các bản vừa qua nhiều ngày cô lập do lũ quét, đang thiếu từ hạt gạo hạt muối đến đôi đũa cái thìa… Tất nhiên, như mọi chuyến thiện nguyện của chúng tôi suốt nhiều năm qua, trong số quà không thể thiếu những chiếc khăn Poêmy xinh xắn.

Dẫn cả một nhóm nhân viên VAG gia nhập đội ngũ tình nguyện lên vùng lũ, anh Hải chia sẻ, sau khi đã xuất khẩu khăn Poêmy sang Châu Âu, Nhật Bản, công ty VAG đang có kế hoạch xuất khẩu sang chuỗi Big C Thái lan và Aeon Nhật Bản. Còn trong nước, Poêmy đã có mặt khắp nơi, tại các siêu thị Big C, Aeon, Lotte, Co.op mart – Các chuỗi mẹ và bé như Bibo mart, Con cưng, Shoptretho, Tuticare... và các đai lý lớn nhỏ khác.

Tôi đùa anh Hải là tuy lũ lụt gây thiệt hại khủng khiếp, nhưng cũng có mặt tích cực, ví dụ như bà con nghèo lại được dùng một sản phẩm được ưa chuộng tại cả những cường quốc. Anh cười vui vẻ theo tôi, nhưng nghiêm túc dặn lại một câu quen thuộc: “Mưa lũ thiên tai thế này chắc chưa hết được. Sắp tới nếu chú lên núi tiếp với bà con, nhớ alo anh nhé, đi được là anh đi ngay, mà không đi được thì sẽ lại gửi chú ít khăn mang lên tặng bà con”.

 

Nguyễn Việt

 

mới nhất

Đối Tác

mới nhất